Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Chiều 30/7, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế (01 Phan Bội Châu, TP Huế), Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi lễ tưởng nhớ vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Lễ tưởng nhớ diễn ra từ 30 đến hết ngày 31/7/2023. Các văn nghệ sĩ từ Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,… và những người yêu mến vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã đến thắp hương tiễn biệt. Trong sổ tang, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên UV Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã viết: “Nhớ ngày kháng chiến/Cùng ngồi trên núi Kim Phụng/Chúng ta nói với nhau/Mong ngày đất nước hòa bình là về với Huế/Hơn 50 năm cứ thế đi mãi/Người Nam kẻ Bắc/Bây giờ anh chị lại về/Nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa/Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế/Khi lòng mình còn xót xa…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xúc động bày tỏ trong sổ tang: “Chúng tôi, những nhà văn Việt Nam của các thế hệ sau không bao giờ quên được tất cả những gì mà hai con người đức độ và tài năng này đã sống, đã sáng tạo và dâng hiến cho con người, cho đất nước này hôm qua, hôm nay và mãi về sau. Xin cúi đầu biết ơn và tưởng nhớ!

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh hoạt động thắp hương tưởng nhớ thì đêm 31/7 sẽ có chương trình văn nghệ giới thiệu một số tác phẩm thơ, nhạc của vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Sáng sớm 01/8, từ trụ sở Liên hiệp Hội VHNT, tro cốt vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang phía Bắc TP Huế.


Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ thắp hương tưởng nhớ đôi vợ chồng nhà văn, nhà thơ tài hoa của xứ Huế

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại Thừa Thiên Huế, quê gốc ở tỉnh Quảng Trị. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại cho đời nhiều tác phẩm: Về bút ký, truyện ký có “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” (1971); “Rất nhiều ánh lửa” (1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980-1981); “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (1984); “Bản di chúc của cỏ lau” (1984); “Hoa trái quanh tôi” (1995); “Huế-Di tích và con người” (1995); “Ngọn núi ảo ảnh” (2000); “Trong mắt tôi” (2001); “Rượu hồng đào chưa uống đã say” (2001); “Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé” (2005); “Miền cỏ thơm” (2007); “Ai đã đặt tên cho dòng sông - Tinh tuyển bút ký hay nhất” (2010); về thơ, có “Những dấu chân qua thành phố” (1976); “Người hái phù dung” (1992).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bệnh nặng vào năm 1998, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Các tác phẩm của ông thời gian sau này có: “Nhàn đàm” (1997); “Người ham chơi” (1998); “Miền gái đẹp” (Tặng thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001), và “Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường” (2002).

Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007, cùng đợt với vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, tại Quảng Bình. Bà là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, truyện thiếu nhi được độc giả nhiều thế hệ yêu thích, như “Trái tim sinh nở” (thơ, 1974); “Bài thơ không năm tháng” (thơ, 1983); “Danh ca của đất” (truyện thiếu nhi, 1984); “Nai con và dòng suối” (truyện thiếu nhi, 1987); “Phần thưởng muôn đời” (truyện thiếu nhi, 1987); “Hái tuổi em đầy tay” (thơ, 1989); “Nhạc sĩ Phượng Hoàng” (truyện thiếu nhi, 1989); “Mẹ và con” (thơ, 1994); “Đề tặng một giấc mơ” (thơ, 1998); “Cốm non” (thơ, 2005); Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi (2006); “Hồn đầy hoa cúc dại” (thơ, 2007); “Khoảng trời - Hố bom” (thơ, 1972); “Chuyện cổ nước mình” (thơ, 1978).

Trong sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng giành nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng VHNT Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế. Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983) và “Đề tặng một giấc mơ” (1988).

Xuân Đạt